Đề xuất cho rằng Hong Kong có thể tận dụng mô hình “Một quốc gia, hai chế độ” hiện tại để thử nghiệm sử dụng Bitcoin làm tài sản dự trữ quốc gia.
Hong Kong đề xuất đưa Bitcoin vào dự trữ quốc gia
Vào ngày 30/12, một số nhà lập pháp Hong Kong đã công bố đề xuất tích hợp Bitcoin vào dự trữ tài chính quốc gia của Hong Kong nhằm thúc đẩy ngành tiền mã hóa, thu hút vốn đầu tư, nhân tài và gia tăng nguồn thu từ thuế giao dịch tài sản số.
Theo ông Wu Jiezhong, Chủ tịch Ủy ban Web3 của Hội đồng Lập pháp Hong Kong, việc tích hợp Bitcoin vào dự trữ quốc gia không phải là ý tưởng mới. Ông chỉ ra rằng một số quốc gia nhỏ như El Salvador đã và đang đi đầu trong việc sử dụng Bitcoin làm tiền tệ hợp pháp và thậm chí đưa đồng coin vua vào kho dự trữ quốc gia.
Ngoài ra, tại Hoa Kỳ, nhiều bang như Ohio, Texas và Pennsylvania cũng đã đề xuất sử dụng Bitcoin làm tài sản dự trữ. Ông nhấn mạnh:
Ông Wu nhấn mạnh rằng Hong Kong nên tận dụng triệt để lợi thế từ mô hình “Một quốc gia, hai chế độ” để đi đầu trong việc sử dụng Bitcoin như một tài sản dự trữ. Với cơ chế quản lý tài chính linh hoạt và các chính sách riêng biệt so với Trung Quốc đại lục, Hong Kong có thể trở thành địa điểm lý tưởng để thử nghiệm các sáng kiến liên quan đến Bitcoin.
Điều này không chỉ giúp Hong Kong giữ vững vị thế là trung tâm tiền mã hóa hàng đầu Châu Á mà còn mở ra cánh cửa để Trung Quốc tối ưu hóa hơn 194.000 BTC đang nắm giữ. Theo cựu CEO Binance Changpeng Zhao, với sự gia tăng nhận thức về tầm quan trọng của Bitcoin trên toàn cầu, Trung Quốc chắc chắn sẽ xây dựng một kho dự trữ Bitcoin chiến lược nhằm bảo vệ lợi ích kinh tế dài hạn của mình.
Thống kê các quốc gia nắm giữ Bitcoin hàng đầu. Nguồn: Bitbo (Ngày 30/12/2024)
Vì vậy Hong Kong có thể đóng vai trò trung gian, tận dụng Bitcoin như một công cụ tài chính để phát triển các sản phẩm như quỹ ETF crypto tại Hong Kong. Từ đó có thể tối ưu hóa giá trị của lượng Bitcoin khổng lồ mà Trung Quốc đang nắm giữ, gia tăng lợi ích chung cho cả hai bên.
Tuy nhiên, ông Wu Jiezhong cũng không quên chỉ ra những hạn chế của Bitcoin trong vai trò tài sản dự trữ. Hiện tại, vốn hóa thị trường của Bitcoin vào khoảng 2.000 tỷ USD, một con số khá khiêm tốn so với 20.000 tỷ USD của vàng. Điều này khiến Bitcoin khó có thể thay thế các tài sản dự trữ truyền thống trong ngắn hạn.
Hơn nữa, tính biến động cao của Bitcoin cũng là một yếu tố đáng lo ngại. Giá trị Bitcoin có thể dao động mạnh chỉ trong vài ngày, tạo ra những rủi ro lớn cho các quỹ dự trữ nếu không có các biện pháp phòng ngừa hiệu quả. Nhưng với nguồn cung giới hạn ở mức 21 triệu BTC, ông cho rằng Bitcoin có tiềm năng trở thành công cụ chống lạm phát hiệu quả, dần thay thế một phần vai trò của vàng và bạc trong hệ thống tài chính toàn cầu. Ông kết luận:
Khả năng cao đề xuất này sẽ nhận được sự ủng hộ từ chính quyền xứ Hương Cảng khi trong năm qua, Hong Kong đã thực hiện hàng loạt chính sách nhằm thúc đẩy ngành công nghiệp crypto như đề xuất giảm thuế, cấp phép cho nhiều sàn giao dịch, đồng thời công bố chương trình thử nghiệm quản lý, lên kế hoạch cấp phép cho các nhà phát hành stablecoin và dự định tăng thêm ưu đãi về thuế cho các quỹ tư nhân.
Coin68 tổng hợp