Coinbase có thể sẽ gỡ bỏ stablecoin Tether (USDT) khỏi nền tảng nếu nhà phát hành không đáp ứng được các yêu cầu nghiêm ngặt từ quy định sắp tới của Mỹ.
Coinbase có thể hủy niêm yết USDT nếu Tether không đáp ứng quy định của Mỹ. Ảnh: Coinbase
Trong một cuộc phỏng vấn tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos (Thụy Sĩ), CEO sàn giao dịch Coinbase Brian Armstrong nhận định rằng các quy định mới của Hoa Kỳ có thể sẽ thay đổi hoàn toàn cách thức vận hành của thị trường stablecoin.
Cụ thể, Armstrong cho biết các quy định sắp được triển khai có thể sẽ yêu cầu tất cả các stablecoin phải được bảo chứng hoàn toàn bằng trái phiếu chính phủ Hoa Kỳ nhằm đảm bảo thanh khoản và tính minh bạch cho các nhà đầu tư. Ngoài ra, các nhà phát hành stablecoin sẽ phải thực hiện các cuộc kiểm toán định kỳ bởi bên thứ ba, chứng minh rằng lượng dự trữ của công ty hoàn toàn khớp với số lượng stablecoin đã phát hành.
Đây được xem là một bước tiến quan trọng trong việc thắt chặt quản lý thị trường tiền mã hóa, đặc biệt trong bối cảnh stablecoin ngày càng khẳng định vai trò thiết yếu trong hệ sinh thái tài chính số. Tuy nhiên, những yêu cầu nghiêm ngặt này có thể đặt ra thách thức không nhỏ cho các công ty phát hành stablecoin, đặc biệt là Tether – nhà phát hành stablecoin lớn nhất thế giới USDT.
Với tổng cung vượt ngưỡng 138,8 tỷ USD, chiếm tới 66,22% thị phần stablecoin, USDT đang dần khẳng định vai trò không thể thay thế trong thị trường crypto.
Top 5 stablecoin có vốn hóa hàng đầu thị trường tiền mã hóa. Nguồn: DefiLlama (22/01/2025)
Chính vị thế này cũng khiến Tether từng trở thành tâm điểm giám sát của các cơ quan quản lý Hoa Kỳ. Trong bối cảnh Hoa Kỳ chuẩn bị áp dụng các quy định nghiêm ngặt hơn đối với stablecoin, áp lực tuân thủ đặt lên vai Tether đang ngày càng gia tăng.
Dù Tether khẳng định rằng phần lớn dự trữ của mình được bảo đảm bằng trái phiếu chính phủ Hoa Kỳ, công ty này vẫn chưa bao giờ công khai báo cáo tài chính được kiểm toán đầy đủ, khiến giới chức ngày càng lo ngại về mức độ tin cậy của Tether.
Hơn nữa, danh mục tài sản dự trữ của Tether còn bao gồm những tài sản biến động cao như Bitcoin và các khoản vay. Những tài sản này không được xem là “tài sản an toàn” theo các tiêu chuẩn bảo chứng dự kiến được áp dụng.
Ngoài ra, Tether còn phải đối mặt với yêu cầu thực hiện các cuộc kiểm toán định kỳ bởi các bên thứ ba để chứng minh rằng mỗi USDT mà Tether phát hành đều được bảo đảm bởi tài sản dự trữ tương ứng.
Các tài sản do Tether nắm giữ tính đến ngày 30/09/2024. Nguồn: Tether
Tuy nhiên, việc tiến hành các cuộc kiểm toán sẽ là một thử thách không nhỏ đối với Tether, khi công ty này từ trước đến nay chưa từng công bố báo cáo tài chính được kiểm toán đầy đủ.
Đặc biệt, sau khi đạo luật MiCA có hiệu lực vào năm 2025 tại châu Âu, yêu cầu minh bạch hóa toàn bộ dự trữ và báo cáo định kỳ đã tạo áp lực lớn đối với Tether. Thay vì tuân thủ các quy định mới, bao gồm việc thực hiện kiểm toán định kỳ đầy đủ theo tiêu chuẩn của MiCA, Tether đã chấp nhận bị cấm hoạt động tại khu vực này khi công ty chỉ cung cấp các báo cáo xác thực tài sản (attestations) hàng quý do bên thứ ba thực hiện và điều này không đáp ứng được yêu cầu kiểm toán chi tiết mà MiCA đề ra.
Trong trường hợp Tether không thể đáp ứng các quy định mới của Hoa Kỳ, Brian Armstrong nhấn mạnh Coinbase sẽ buộc phải gỡ bỏ USDT khỏi nền tảng. CEO Brian Armstrong cũng chia sẻ thêm rằng Coinbase sẽ hỗ trợ người dùng trong việc chuyển từ USDT sang các tài sản khác “an toàn” hơn. Armstrong cho biết:
Động thái này là một phần trong chiến lược của Coinbase nhằm tuân thủ các luật pháp mới, đồng thời bảo vệ người dùng trước các rủi ro tiềm ẩn từ các tài sản kỹ thuật số không được bảo chứng đầy đủ.
Vào cuối năm 2024, Coinbase đã buộc phải gỡ bỏ USDT và một số stablecoin khác khỏi thị trường châu Âu nhằm tuân thủ quy định MiCA, có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2025. Mặc dù vậy, đây vẫn là khoảng thời gian thành công với công ty với tổng lợi nhuận năm đạt hơn 10 tỷ USD.
Về phía Coinbase, sàn giao dịch này đã liên tục thể hiện cam kết tuân thủ luật pháp bằng cách từ chối hơn 90% các loại tài sản kỹ thuật số không đáp ứng yêu cầu. Công ty cũng liên tục làm việc với các cơ quan quản lý để xây dựng một môi trường pháp lý minh bạch hơn từ đó xây dựng được lòng tin cho nhiều người dùng.
Đối với Tether, việc tuân thủ các quy định mới sẽ là yếu tố quyết định đến khả năng tồn tại của USDT tại thị trường Mỹ. Dù CEO Tether Paolo Ardoino từng kỳ vọng rằng môi trường pháp lý sẽ trở nên dễ chịu hơn dưới thời Tổng thống Donald Trump và bày tỏ tham vọng mở rộng hoạt động tại Mỹ, công ty vẫn phải đối mặt với áp lực lớn trong việc đảm bảo tuân thủ nghiêm ngặt nếu muốn duy trì vị thế tại một trong những thị trường lớn nhất thế giới.
Lịch sử cho thấy Mỹ không phải là một sân chơi dễ dàng cho Tether. Năm 2021, công ty cùng với Bitfinex đã bị Ủy ban Giao dịch Tài sản Tương lai Hoa Kỳ (CFTC) phạt 42,5 triệu USD vì những vấn đề liên quan đến bảo chứng của stablecoin USDT. Hiện tại, Tether tiếp tục đối mặt với cuộc điều tra từ giới chức Mỹ với các cáo buộc nghiêm trọng như vi phạm lệnh cấm vận tài chính và không tuân thủ các quy định phòng chống rửa tiền.
Coin68 tổng hợp